Không thể giận nổi

Bản tính gã nhí nhố, khôi hài và gương mặt như một diễn viên hề, khiến cho nàng chẳng mấy khi giận được quá một tiếng

Hồi còn yêu nhau, hẹn hò gã đến muộn cả nửa tiếng, nàng vô cùng lo lắng, song vừa nhìn thấy gã hớn hở tiến đến, thì nàng bắt đầu tức không để đâu cho hết. Nàng đang tính quát tháo om xiên lên cho bõ điên, thì mặt gã làm bộ sợ hãi: “Anh vừa gặp tai nạn em biết không?”.

Nàng hoảng hồn: “Anh có làm sao không?”, “Không, chỉ là nhìn thấy thôi mà”, nàng thở phào một cái, rồi tò mò hỏi tiếp: “Người ta bị thương nặng không, con trai hay con gái?” gã thản nhiên: “Ôi dào, để ý làm gì, anh chạy xe qua thấy cái xác nát bét, ai quan tâm xem con chuột ấy là đực hay cái”. Nàng phì cười vì cái tính “điêu toa”, lôm côm của người yêu, quên cả giận, chỉ nguýt cho một cái rồi dí trán gã: “Dám kiếm chuyện làm quà để lấp liếm “tội lỗi”, lần này em tha, bận sau đừng có trách”. Gã cười hề hề, bộ mặt “gian xảo” lẩm bẩm: “Chính nghĩa đã thắng”.

Lấy nhau về, lần ấy gã đi đám cưới, rồi vui quá còn đi đón dâu, hội hè với bạn chú rể, đến tối muộn mới về, thong thả, điềm nhiên cứ như là giai chưa vợ, bỏ mặc nàng ở nhà với đứa con chưa đầy nôi quấy như ranh, còn chẳng nấu nổi cơm mà ăn. Nàng nghiến răng nghĩ bụng: “Thôi xong rồi, lần này đây sẽ cho ra ngô ra khoai, lành làm gáo vỡ làm muôi, đi đâu giờ này chưa về, có chắc là ở lại nhà chú rể không?”.

Chồng về nàng giữ bộ mặt hình sự chưa từng thấy, nàng xa xả nói, gã biết lỗi cứ lầm lũi dọn dẹp nhà cửa, nhìn nồi cơm lạnh ngắt biết vợ chưa ăn, gã liền nấu nướng tinh tươm, nóng sốt, bế con, rồi giục nàng ăn. Sau đó thì tự giác dọn bát đũa, rửa xong xuôi, thay quần áo đoạn mang tất cả đi giặt, luôn tay luôn chân cho đến tận lúc đi ngủ. Nàng thấy chồng hối lỗi, biết lấy công chuộc tội thì giận dỗi tan biến đâu cả, nàng nói mấy câu lấy lệ rồi “ra giá”: “Lần sau mà cứ ham vui như vậy em sẽ cho biết tay”, gã làm bộ xoa tay khét lẹt, rồi gật gù, cười hi hi.

Lại có đợt gã đi nhậu tất niên ở nhà sếp, từ sáng đến tận bốn giờ chiều mới về. Lúc một giờ nàng gọi điện gã còn lặng lẽ tắt máy, rồi nhắn tin: “Mới ăn được mười phút”. Cơn tam bành thịnh nộ bắt đầu nổi ầm ầm, nàng quyết không tha thứ, ở đâu ra cái ngữ lang thang đú đởn cả một ngày trời, không coi vợ con ra gì.

Gã về, lần này nàng không thèm một lời, chẳng phải đã có câu: “Ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Nàng tỉnh bơ như không, gã thì giả lả, làm hòa, rồi tỉ mẩn làm hết việc nọ đến việc kia.

Chẳng cần biết vợ có nghe hay không, gã cứ khua môi múa mép, miệng nói tay làm. Gã kể chuyện rõ là duyên dáng, hấp dẫn khiến cho nàng cũng hòa vào những câu chuyện ấy, “Em biết vợ sếp giờ bao nhiêu cân rồi không, lúc anh đến vợ sếp ra mở cửa, vào đến nhà anh vẫn còn tưởng sếp chưa về, ra là sếp cứ đứng sau vợ, chị ấy lấp hết rồi còn đâu”. Rồi nàng chẳng hỏi gã cũng cứ cười hề hề khai tuồn tuột, ra vẻ thanh minh: “Anh muốn về sớm với mẹ con em lắm, nhưng nghĩ cảnh vợ sếp đang bầu bì, lại phải nấu nướng, dọn dẹp mấy mâm bát, mình về trước cũng ngại nên anh cùng mấy đứa ở lại thu xong mới về”…

Cứ thế mặt nàng giãn dần ra. Tục ngữ có câu “Không ra tay đánh người tươi cười”, gã cứ nhe nhẻn, nhẹ nhàng như dòng nước trong thế, ai mà giận cho nổi.

An Miên

Mọi chi tiết hợp tác xin liên hệ Email: info@kinghelp.net - Mobile: 0909 921 321
Thiết kế bởi King Help