Chuyện cái tôi của người phụ nữ

Có chăng cái tôi của người phụ nữ bây giờ lớn quá, nên chỉ cần ai làm tổn thương mình một chút thôi là đã lồng lộn lên chống trả...

 “Lấy chồng thì phải theo chồng/Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo”, bà tôi đọc câu ca dao khi ngồi trên chõng tre, móm mém nhai trầu và bắt đầu kể cho tôi câu chuyện hôn nhân của ông bà trong thời phong kiến khắc nghiệt. 

Bà nay đã già, đã rất bình thản khi kể về những trận đòn roi mà bà từng phải gánh chịu bởi tính gia trưởng của ông. Ông từng bắt bà phải đứng, xõa búi tóc tết ra để ông có thể buộc chặt nó với mái nhà tranh, để bắt bà đứng yên một chỗ không được đi đâu. Ông cũng từng vác theo chiếc đòn gánh, rượt đuổi bà chân trần chạy khắp những con đường làng đầy sỏi giữa trưa nắng nóng, chỉ vì vài cái tội bâng quơ, ví như bà sang nhà hàng xóm nói chuyện lâu quá, mất đến tận dăm bảy phút trong ngày.
Bà nói với tôi, cái thời ấy chẳng ai được biết đến khái niệm chia tay hay li hôn nhau để sống. Bà dẫu có căm hận ông đến mấy thì vẫn bị ràng buộc trong mối quan hệ vợ chồng, phải làm tròn nghĩa vụ của một người vợ cho đến tận cuối đời. Những người đàn bà ngày xưa, sống vì chồng vì con, không thể đứng lên nói được một câu cho bản thân, không thể chống lại đòn roi của chồng và luôn phải chịu cảnh làm tôi tớ trong gia đình. Nhưng rồi họ vẫn bên cạnh người đàn ông của mình cho đến mãi sau này.
Như lúc này, lưng bà đã còng, còn ông muốn bước một đoạn từ giường ông sang giường bà cũng phải chống gậy, đến sức để cãi nhau đôi ba câu cũng không còn nữa. Nhưng ngày nào ông bà cũng ngồi đối diện nhau, và người này cứ sợ người kia đi trước. Tôi hỏi bà vì sao lại thế. Bà chậm rãi trả lời: “Ông mà mất trước thì một mình bà ở trong căn nhà tình nghĩa này, đêm đến rồi chắc sẽ không ngủ được. Cái cốt là đã gắn bó với nhau cả đời, thiếu nhau rồi chắc sẽ cô đơn lắm."
Bà kể chuyện xưa và chuyện nay cho tôi nghe. Rồi bà bảo rằng từ chuyện của mình, bà không thể hiểu được lý do tại sao dăm bữa nửa tháng tôi lại đùng đùng xách con về nhà ngoại tuyên bố sẽ ly hôn chồng. Hay là cái tôi của người phụ nữ bây giờ lớn quá, chỉ cần ai làm tổn thương mình một chút thôi là đã lồng lộn lên chống trả. Mà mâu thuẫn lớn cho cam, đằng này chỉ là những lần cãi nhau vặt vãnh rồi quyết định chia tay khi cảm xúc đang ngùn ngụt như lửa đốt.
Bà khuyên tôi nên bình tâm suy xét về vị trí và vai trò của mình trong một gia đình. Nay tôi đã là một người phụ nữ trưởng thành, đã có chồng con thì càng phải biết suy nghĩ trước sau cho thỏa đáng để bảo toàn bình yên trong căn nhà. Gặp được nhau, đến với nhau đã là duyên số cả đời, nên đừng vì một chút vị kỷ cá nhân mà phá tan hạnh phúc. Mình sống thật lòng thì không lo bị người ta bạc bẽo, sớm muộn giá trị của mình rồi cũng sẽ được nhận ra. Đừng nổi nóng, đừng uất hận khi một đôi lúc chồng mình vô tâm quên cái nọ, quên cái kia mà mặc định là người ta quên luôn cả mình. 
Tôi chột dạ khi thấy lời bà đúng. Tôi đã cho rằng sự hi sinh của mình trong gia đình là rất lớn và luôn mưu cầu nhận được thật nhiều sự quan tâm từ chồng. Và khi sự khô khan của một người đàn ông trả lời tôi, tôi lại tự mình giãy nảy uất nghẹn. Suy cho cùng thì có lẽ tôi yêu thương bản thân mình nhiều quá, nên khi không nhận được điều gì tôi lại thấy đau xót cho chính mình. Sự ích kỷ này trong một mối quan hệ thật ra là không nên có.
Bà cũng bảo rằng bà không khuyên tôi phải nhẫn nhịn trong mọi cuộc cãi vã, hay im lặng trước những hành động sai lầm của chồng, mà chỉ mong tôi có thể bình tâm hơn trong cách ứng xử. 
Không nên nổi nóng lên là nói đến chuyện chia tay, đó là điều tối kỵ trong hôn nhân và chỉ nên đề cập đến khi hai người đều đã cố gắng hết sức mà không thể chấp nhận nhau được nữa. 
Đôi khi, tôi cho rằng ở cái thời của bà, người phụ nữ vẫn chưa biết nhiều đến hai từ bình đẳng và ly hôn hóa ra lại hay. Bởi họ dù có hay không có “cái tôi” thì cũng buộc lòng phải tìm cách chế ngự nó. Và nhờ vậy, cuộc hôn nhân của họ vẫn luôn còn rất nhiều cơ hội để sống sót cho đến tận khi tình nghĩa được xây dựng, tình yêu được hồi sinh trong những năm tháng gần về với cội.
Linh Rên
Mọi chi tiết hợp tác xin liên hệ Email: info@kinghelp.net - Mobile: 0909 921 321
Thiết kế bởi King Help