Họ nghĩ rằng: với một cô gái mới ngoài 20, bị chồng bỏ, một thân một mình nuôi con, hẳn sẽ là nỗi đớn đau bi kịch lắm. Và khi sống trong nỗi đớn đau, bi kịch như thế, ai mà có thể cười nổi cơ chứ?
Phải chăng khi chạm đến sự tột cùng của nỗi đau, người ta không thể khóc được mà cười cay đắng? Hay nỗi đau đã làm biến dạng những dây thần kinh xúc cảm của người mẹ đơn thân?
Không, chẳng giả thiết nào đúng! Tôi cười bởi thực sự tôi thấy mình thật là may mắn.
Tôi cười, ấy là khi tôi thấy con bạn đêm hôm còn cắp con đi tìm chồng. Nghe bảo, chồng nó làm trợ lý cho một ông to lắm, tiền mang về cung phụng mẹ con nó như một bà hoàng. Nhưng ngồi trong những chiếc ghế êm ái trong phòng khách sang trọng, con bạn tôi như ngồi trên đống lửa khi đến nửa đêm chồng vẫn chưa về vì bận tiếp khách.
Chẳng mấy khi mẹ con cô bạn được ăn một bữa tối ấm nóng vì luôn phải ở cảnh đợi chờ. Không ít lần, cô bạn cắp con đi tìm chồng, đến những chỗ mà anh bảo đang tiệc tùng tiếp khách, để được tận mắt chứng kiến những cô gái tiếp bia, tiếp rượu ngả ngớn trong lòng chồng.
Tôi cười, ấy là khi cô đồng nghiệp đến cơ quan với mái tóc xơ xác, khuôn mặt mệt mỏi lúc nào cũng ngơ ngác như một kẻ tội đồ. Ngày xưa, cô nàng ấy chả kém cạnh ai. Chí ít cũng là hoa khôi của một huyện, khéo tay, hay làm cũng có tiếng.
Khốn nỗi, ông chồng của nàng thuộc loại “lọt trời rơi xuống đất”. Dù cô vợ nấu ăn ngon khiến nhiều người tấm tắc thì cũng chẳng bao giờ vừa miệng ông chồng. Nào thì “Sao mực không xào cho cháy cạnh?” “Rau cần không đun kỹ cho mềm?”...
Những yêu cầu ngược đời như thế, nhưng vẫn khiến cô vợ trở nên hoang mang, mất tự tin về khả năng bếp núc của mình. Lâu dần thành quen, cô vợ biến mình thành một kẻ phụ thuộc, luôn sợ sệt chồng mình như ông chủ.
Đó là chưa kể đến những vết ố màu trên cổ áo, một vệt bụi vương trên sàn nhà… cũng đủ làm cô “mất hồn mất vía” nếu như chồng phát hiện, cằn nhằn kêu ca.
Thực ra thì hai gã đàn ông quái kiệt kia cũng không hẳn là nhiều. Nhưng chí ít, phận đời một cô vợ cho ra cái vẻ ngoan, muốn cho trong ấm ngoài êm thì không thể có chuyện không biết là cho chồng cái áo, quét dọn nhà cửa cho sạch sẽ. Có như thế, gã đàn ông lười biếng như ông chủ mới cảm thấy ngôi nhà như tổ ấm mà thích tìm về.
Con vợ ngoan cũng phải là ả đàn bà phải biết hy sinh sở thích của mình chiều theo sở thích của chồng.
Thậm chí đến cả quan điểm, lời nói, nếu trái ngược với chồng, cũng đừng có dại gì mà thể hiện. Cổ nhân đã dạy rồi, đàn bà muốn hạnh phúc, phải biết “ngu một tí” trước người đàn ông của mình.
Tết đến, chao ôi mới là mệt. Đây là những dịp để các cô vợ cân não với danh mục những món tiền Tết nội, Tết ngoại. Căng thẳng nhất là việc mua gì biếu gì cho bố mẹ chồng, cho chị em, cháu chắt bên nhà chồng.
Nhiều khi tiền mất cả đống, nhưng vẫn bị chồng mặt nặng, mày nhẹ, mẹ chồng chửi mắng xơi xơi chỉ vì một chút thiếu khéo léo trong việc biếu quà.
Người ta trông chờ ngày Tết để được nghỉ ngơi, du lịch chỗ này, chỗ kia, thì các nàng dâu cứ đến Tết là cun cút về quê phụng sự nhà chồng cho đúng lễ, đúng nghĩa.
Mới đây, có một thống kê vui, nhưng không hẳn là vô lý, khi cho rằng một người đàn ông cưới một người vợ, là đã có món lời hơn 3 tỷ đồng. Điều đó cũng có nghĩa là người đàn bà đã thiệt hại hơn 3 tỷ đồng khi chấp nhận “đeo gông”.
Thực ra, cũng chẳng phải vì tôi thấy mình đã “lời 3 tỷ” sau bước ngoặt để làm mẹ đơn thân. Nhưng tôi đã được sống cuộc sống của tôi. Tôi được quyền tự quyết định cuộc sống của mình, của con mình, được nuôi dạy con theo cách của mình, được ăn những món ăn mình thích, làm những mình thích.
Tôi vẫn có tình yêu, vẫn có những rượu vang, có hoa hồng, có những gã đàn ông sẵn sàng cung phụng tôi, nhưng tôi không phải ngồi chờ cơm, không phải lo ngay ngáy về những chiếc áo sơ mi chưa kịp giặt, những bữa cơm không vừa miệng “ông chủ”.
Chừng đó lý do, chả đáng để tôi luôn thấy cuộc đời quá đáng yêu để phải mỉm cười đó sao!
Theo Đàn bà Cocktail
Pháp luật Việt Nam