Đang hòa mình vào không khí nơi đây, hòa mình vào những câu chuyện vui nhộn, thì bỗng điện thoại của tôi rung lên. Cầm điện thoại, thấy số lạ, nhưng cũng chẳng kịp nghĩ gì, tôi bấm trả lời: “Alo! Tôi nghe! Ai đấy…” Vừa dứt câu nói, thì đầu dây bên kia đã tuôn ra một tràng với mức “vô lum” đến chói tai:
- Sướng gớm nhỉ! Vào tận Đà Nẵng xem pháo hoa cơ đấy! Mấy giờ rồi mà còn hoa với hoét. Ở nhà xem tường thuật trực tiếp thì không thích cơ, đòi đi xem pháo hoa bằng được. Đi xem pháo hoa theo phong trào đẳng cấp à? Này, tôi nói lại một lần nữa, cho anh đúng một ngày để có mặt ở Hà Nội nhé. Tôi có việc cần bàn với anh! Chuyện này không đùa đâu. Anh cứ thử không ra đúng hẹn đi, rồi anh sẽ biết tay tôi. Cẩn thận công việc, sự nghiệp, gia đình của anh đấy. Đến lúc bẽ bàng ra thì đừng có trách tôi là ác, là vô lương tâm… Làm gì mà từ nãy giờ không nói câu nào thế? Đang “bận” hành sự à? Ui giời, có quả “ngan già” mà làm việc hơi lâu đấy…
Tôi không muốn nghe tất cả những lời nói đó nên dập máy ngay. Từ sau cuộc gọi đó, tôi không thể thoải mái được nữa. Lúc đó tôi trầm đi hẳn, chẳng nói chẳng rằng, mặc cho không khí chung quanh vẫn rất náo nhiệt. Gần đến cầu sông Hàn, vợ tôi quay sang nhìn tôi với ánh mắt có ý hỏi thăm. Tôi chẳng để vợ mở lời, tôi nói ngay: “Sếp vừa gọi. Sếp yêu cầu về gấp để hoàn thành Đề án Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Sáng ngày kia, ông ý phải trình bày trước lãnh đạo về việc này rồi. Anh không biết phải làm thế nào. Chắc là em phải ở lại, ra sau với mọi người rồi”. Vợ tôi chỉ thở dài, gương mặt buồn đi rõ rệt, nhưng cũng cố động viên chồng: “Thôi thì vì công việc anh ạ. Anh cứ ra trước đi cho được việc. Mà bác sếp nhà anh làm việc buồn cười quá. Chả có kế hoạch cụ thể từ trước nhỉ?”.
Rời bước về khách sạn, tôi nghĩ đến Hà, người vừa gọi điện cho tôi cách đây ít phút. Hà đã li dị chồng từ lâu, đã có hai con. Con lớn của Hà thì đã lập gia đình và ở riêng, cậu con út thì đang đi du học nước ngoài. Hà là dân kinh doanh vải vóc, thu nhập cũng rất khá. Tôi tình cờ quen Hà trong lần đi mua vải tặng bà xã nhân dịp 8-3. Cơ ngơi của Hà cũng rất hoành tráng, nhà rộng thênh thang nhưng thiếu hơi ấm vì Hà chỉ sống một mình. Sau lần quen tình cờ đó, Hà thường mời tôi đến nhà chơi. Hà thường nói: “Anh Hùng khi nào rảnh cứ đến chơi với em. Em sống một mình, lại kinh doanh ngoài, ít giao tiếp với ai, nhiều khi cũng chỉ cần có người nói chuyện cùng cho đỡ buồn thôi…”. Thế là từ vị trí khách mua hàng, tôi trở thành người bạn, rồi người tình của Hà lúc nào không biết. Còn về phía gia đình tôi kinh tế thì cũng eo hẹp vì cả hai vợ chồng đều là công chức Nhà nước. Vợ tôi còn mang mầm bệnh quái ác trong người, nên việc thuốc thang chữa chạy cho vợ cũng rất tốn kém. Biết hoàn cảnh gia đình tôi như vậy, Hà thường giúp đỡ vật chất cho tôi khá nhiều. Hà thường chủ động: “Anh cứ cầm 100 triệu đồng này về lo việc gia đình, vợ con đi. Nếu thiếu thì cứ bảo em. Em thật là không nỡ nhìn anh buồn rầu lo lắng như vậy. Mà nghĩ đi nghĩ lại, anh là sướng nhất đấy. “Cơm no, bò cưỡi” lại còn mang được tiền về nữa”. Thời gian đầu tôi còn có mặc cảm là người phản bội và là người cha không tốt của hai đứa con. Nhưng lâu dần, tôi lại thấy chuyện đó là bình thường, bởi tôi vẫn yêu thương gia đình hết mực. Lo những việc cho gia đình xong, tôi cũng rất áy náy vì chưa biết làm cách nào để kiếm tiền và gửi lại cho Hà.
Nhưng việc to tiếng của tôi và Hà cũng bắt đầu nảy sinh từ đây. Tôi và vợ tôi đi siêu thị một buổi sáng chủ nhật cũng được Hà gọi điện chỉnh đốn: “Nhiều tiền ghê nhỉ. Hai ông bà còn nắm tay nhau đi siêu thị, trông rõ là tình cảm. Nợ nần thì không chịu lo, cứ mua sắm tẹt ga vào đi, có “ngân hàng” của con này lo rồi. May mà bạn tôi cũng ở đó nhìn thấy, chứ không tôi cứ nghĩ là nhà anh khó khăn lắm cơ”. Lúc đó, tôi bực mình lắm vì thật sự Hà là gì mà được quyền mắng tôi, ra lệnh cho tôi, tôi vay tiền thì tôi sẽ trả, cứ cho người ta vay tiền là được quyền muốn nói gì thì nói chắc. Gần buổi tối hôm đó, tôi đến nhà Hà. Vừa gặp tôi, Hà đã gào lên: Anh là đồ lừa đảo. Tôi mang tiền cho anh, để anh hú hí với con “ngan già” đó à. Tôi thật là dại trai quá đi mà. Tôi cần gặp anh mà anh cứ tảng lờ đi. Nói dứt lời, Hà cầm giấy bút bắt tôi viết giấy ghi nợ. Tôi cũng bình tĩnh viết. Viết xong, Hà bất ngờ ôm tôi rên rỉ: Em nhớ anh quá. Sao anh cứ đi đâu mà không ở gần em vậy. Em yêu anh nhất, anh cũng biết điều đó mà… Vừa nói, Hà vừa hôn tôi ngấu nghiến. Tôi cứ để mặc như vậy. Thói đời thật buồn cười, việc gì xấu làm mãi rồi cũng thành quen, và làm nhiều thì cứ tưởng là đúng, là hay.
Đến khi cậu con trai cả của chúng tôi lập gia đình, do nhà quá bé nên chúng tôi muốn cho gia đình cậu cả ra ở riêng. Hà biết được việc đó, cũng chủ động đề nghị với tôi: Em sẽ cho anh vay tiền mà mua căn hộ chung cư giá rẻ cho hai cháu nhé. Không phải lo. Đừng làm mặt đần đần thế, trông tội nghiệp lắm. Tôi cũng nói rằng nếu như thế thì chẳng biết bao giờ mới trả được cho Hà. Hà mạnh miệng: Đời anh không trả được, thì đến đời con anh, cháu anh… Em giữ tiền nhiều cũng có mang xuống âm phủ được đâu, anh không phải ngại. Nói đoạn Hà mở tủ lấy ra một tập sổ tiết kiệm cho tôi xem. Tôi cũng băn khoăn suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng cả tuần liền. Nhưng nghe những lời Hà nói, tôi lại thấy cảm động, và nghĩ rằng rất có thể Hà chỉ muốn bên cạnh tôi suốt đời mà chẳng cần một danh phận gì. Cuối cùng, hoàn cảnh đưa đẩy cũng khiến tôi phải vay của Hà 800 triệu đồng.
…Và như tôi đã kể, chiều ngày hôm sau tôi bay gấp từ Đà Nẵng ra Hà Nội để gặp “sếp”. Hà gặp tôi và giữ tôi liền 2 ngày liên tiếp. Càng gần tôi, Hà càng muốn tôi làm của riêng của cô. Hà còn ra một quy chế: Cách một tuần, thứ bảy hoặc chủ nhật phải viện cớ đi công tác, hoặc đi trực để có thời gian ở với Hà. Còn trong tuần, lúc nào Hà cần thì tôi cũng phải có mặt. Tôi ý kiến rằng: “Để xem đã. Vì anh còn nhiều việc. Việc cơ quan, gia đình… tất cả anh đều phải lo mà”. Đến lúc này, Hà như vào cơn, nói xối xả vào mặt tôi: “Anh là đồ vô ơn bạc nghĩa, là đồ không biết điều. Anh chỉ giỏi lấy tiền của tôi là nhanh thôi. Anh thích việc à? Tôi sẽ kể hết cho tất cả mọi người. Từ vợ anh, con cái anh, rồi cho cả họ hàng, cơ quan đoàn thể của anh biết rõ anh là con người như thế nào”. Đến lúc này, tôi thật sự thấy sợ. Thật là “tiến thoái lưỡng nan”. Tôi không biết phải làm thế nào vào lúc này? (Quốc Hùng, Cầu Giấy)
Bạn Hùng thân mến!
Trong trường hợp của bạn, bạn đã quên mất câu mà người xưa thường nói: “Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát”. Bạn đã quá lạm dụng tiền và tình. Qua câu chuyện bạn kể, có thể thấy Hà là một người phụ nữ tốt, hào phóng và luôn giúp đỡ bạn trong những lúc khó khăn. Nhưng, vay tiền thì còn có thể trả được, vay tình thì rất khó trả hết. Trong trường hợp này, bạn nên thành thực kể lại với vợ con, để tìm ra phương án trả nợ dứt điểm cho Hà trong thời gian ngắn nhất. Còn về chuyện tình cảm, bạn nên “lái” Hà vào những sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh, làm thế nào để cô ta hiểu rằng: Tình bạn tri kỷ không chỉ có tình dục, mà còn là chỗ dựa tin cậy, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn. Bạn cần bình tâm, kiên trì giải quyết việc này. Chúc bạn đủ thông minh, khéo léo trong chặng đường trước mắt.
Theo Quốc Hùng
An Ninh Thủ Đô