Đêm tân hôn, mẹ chồng đập cửa đòi vàng
“Chắc chẳng có nàng dâu nào lại khổ nhục như mình. Đêm tân hôn, 2 vợ chồng nghe tiếng đập cửa ầm ầm, mặt 2 đứa tái xanh tái mét cuống cuồng vùng dậy, hóa ra là mẹ chồng đang ngủ, sực nhớ đến số vàng đã trao cho con nên vội vàng gọi dậy để đòi cho bằng được …” - chị Phúc (Thanh Xuân - Hà Nội) ấm ức kể.
Chị Phúc cho biết, chị là người Hà Nội, nhưng quê chồng thì ở tận Bỉm Sơn - Thanh Hóa. Trước khi cưới, chị mới về quê chồng được 3 lần, thế nên, những phong tục tập quán, hay thói quen của người dân quê chồng, chị Phúc chưa có nhiều dịp tìm hiểu, vì vậy việc bị gọi dậy để đòi vàng của mẹ chồng ngay đêm tân hôn khiến chị vô cùng khó hiểu và có phần tức giận.
Chị Phúc kể: “Vì quê chồng khá xa, bạn bè đồng nghiệp của 2 vợ chồng ở Hà Nội nhiều nên hôn lễ của bọn mình được tổ chức tại 2 nơi và vào 2 tuần kề nhau.
Hôm đầu tiên, tổ chức khách sạn, bên nhà chồng mình có khoảng 5, 6 người ở quê ra. Trong đó, có cả bố mẹ chồng mình. Tuy nhiên, hôm đó, chỉ có bên nhà gái, bao gồm bố mẹ mình và các anh chị em, cô dì chú bác nhà mình lên trao vòng kiềng, nhẫn vàng cho 2 vợ chồng để làm kỷ niệm. Còn bố mẹ chồng thì không có bất cứ thứ gì.
Thế nhưng, mình cũng không câu nệ và quan trọng hóa chuyện này. Vì thế, mình rất hồn nhiên và hôn lễ hôm đó diễn ra rất vui vẻ và tốt đẹp.
Tuần sau, bọn mình và một số đại diện của gia đình mình về Thanh Hóa để tiếp tục tổ chức hôn lễ tại quê chồng. Thật bất ngờ là, bên nhà chồng cũng có màn trao vàng cho con.
Điều này, khiến mình rất xúc động dù số vàng bên chồng cho chỉ bằng 1/10 của bên ngoại, nhưng như vậy có nghĩa là, bố mẹ và anh em bên chồng cũng rất thương yêu 2 vợ chồng mình nên mới cố gắng trao kỷ niệm cho con cho cháu như vậy.
Ai ngờ, sau đám cưới, khi mọi việc đã hoàn tất, bố mẹ chồng đã đi ngủ từ lúc nào, còn 2 vợ chồng vẫn loay hoay đang muốn thử cảm giác đầu tiên ở nhà chồng thì bất ngờ bị mẹ chồng gõ cửa một cách gấp gáp khiến 2 vợ chồng hoảng hốt vùng dậy.
Vào phòng, bà chẳng cần biết 2 đứa đang tẽn tò như thế nào đã thẳng thắn bảo mình đưa bà giữ hộ số vàng mà 2 đứa được trao. Ngày mai 2 đứa đi Hà Nội sớm rồi, cầm nhiều vàng đi lại tiêu mất”.
“Nói thật, lúc mẹ chồng nói ra câu đó, mình vô cùng bất ngờ, và một cảm giác khó chịu tự nhiên len lỏi vào trong đầu óc mình. Bởi từ trước đến nay, chuyện mẹ chồng đòi giữ tiền vàng hồi môn của con, mình chưa từng gặp qua mà chỉ biết láng máng trên những bài báo. Vì thế mình nghĩ, chuyện đó chỉ có ở những vùng quê hẻo lánh, hoặc những gia đình vô cùng cổ hủ. Ai ngờ, bây giờ người gặp phải cảnh này lại là mình” - chị Phúc cau có kể lại.
“Tất nhiên, ngay sau đó, mình cũng đã tỉnh táo mà từ chối một cách khéo léo khiến bà mẹ chồng không thể nói thêm được, đành phải từ bỏ ý định và ngậm ngùi ra khỏi phòng dù trong lòng chắc cũng khó chịu lắm” - chị Phúc nói tiếp.
Trao vàng giả vì không muốn thua kém nhà gái
Cũng cùng hoàn cảnh bị mẹ chồng đòi lại vàng ngay sau khi vừa trao cho con dâu trước mặt quan viên hai họ như chị Phúc, nhưng trường hợp của chị Vân (Hoàng Mai – Hà Nội) thì lại oái oăm hơn.
Chị Vân cho biết, cả 2 vợ chồng chị Vân đều phải thuê trọ, cuộc sống tương đối khó khăn vì 2 vợ chồng đều chỉ là công nhân bậc 1. Vì vậy, sau đám cưới, tổng kết lại, cả 2 vợ chồng thu được 22 triệu tiền mừng cưới và 1 cây vàng.
Đang vui vì có một khoản để dành tiết kiệm cho việc sinh con đẻ cái. Ai ngờ, sau đám cưới 1 ngày thì mẹ chồng chị gọi 2 vợ chồng vào phòng thông báo, số vàng mà bà và các anh chị chồng trao cho con dâu hôm nay (6 chỉ) chỉ là vàng giả. Mọi người trao để lấy uy vì không muốn thua kém nhà gái. Thế nên, số vàng ấy, 2 vợ chồng có thể vứt đi hoặc giữ lại làm kỷ niệm. Còn số vàng bên ngoại trao và số tiền mừng cưới của 2 vợ chồng thì phải đưa cho bà để bà trả nợ.
“Mình nghe từng lời bà nói mà buồn tủi và hụt hẫng đến vô cùng. Nhưng cũng không thể làm khác được vì chồng mình cũng quyết làm theo ý của mẹ. Thành ra, sau đám cưới, 2 vợ chồng mình trắng tay, lại phải gánh thêm 1 khoản nợ to đùng trên vai” - chị Vân khổ sở nói.
Theo Minh Anh